19/3: Mặt trăng tròn siêu cận điểm

Mặt trăng trông thật lớn khi nhìn nó qua các vật tiền cảnh – đó là “ảo giác mặt trăng”. Ảnh: NASA

Ngày mai, bạn đừng bỏ lỡ một cơ hội hiếm có để ngắm mặt trăng tròn với kích cỡ và vẻ đẹp hiếm thấy mọc lên ở phía đông lúc hoàng hôn. Nó là một mặt trăng siêu cận điểm – mặt trăng lớn nhất trong gần 20 năm qua.

Kì trăng tròn to và gần trái đất mới đây nhất xảy ra hồi tháng 3 năm 1993.

Những kì trăng tròn thay đổi kích thước là do hình dạng oval của quỹ đạo mặt trăng. Nó là một elip với một phía (cận điểm) gần trái đất hơn phía bên kia (viễn điểm) khoảng 50.000km.

Trăng cận điểm to hơn khoảng 14% và sáng hơn 30% so với trăng xuất hiện ở phía viễn điểm của quỹ đạo mặt trăng.

Trăng tròn hôm 19 tháng 3 xảy ra cách cận điểm chưa tới một giờ - một sự trùng hợp gần như hoàn hảo chỉ xảy ra 18 năm một lần.

Trăng tròn cận điểm mang lại “thủy triều cận điểm” cực cao, nhưng điều này chẳng có gì đáng lo ngại cả. Ở đa số mọi nơi, lực hấp dẫn mặt trăng tại cận điểm hút nước thủy triều chỉ cao hơn mức bình thường một vài cm. Địa hình đặc trưng của địa phương có thể khuếch đại hiệu ứng đó lên tới 15cm – nói chung, không có nguy cơ lũ lụt nào cả.

Thật vậy, trái với một số bài báo bàn tán xôn xao trên Internet, trăng tròn cận điểm không kích hoạt thảm họa thiên nhiên nào hết. “Siêu mặt trăng” vào tháng 3 năm 1983, chẳng hạn, đã đi qua một cách bình yên. Và mặt trăng tròn gần như hoàn hảo vào tháng 12 năm 2008 cũng tỏ ra vô hại.

Vâng, mặt trăng to hơn ngày thường đến 14%, nhưng thật ra bạn có thể sự khác biệt là gì không? Khó khăn đấy. Chẳng có cái thước nào trôi nổi trên bầu trời để đo đường kính mặt trăng. Treo lơ lửng cao trên đầu mà không có điểm tham chiếu nào để mang lại cảm giác kích cỡ, kì trăng tròn nào cũng trông như những kì trăng tròn nào mà thôi.

Thời điểm quan sát tốt nhất là khi mặt trăng ở gần đường chân trời. Đó là khi sự chiếu sáng hòa hợp với thực tại để mang lại cái nhìn thật sự tuyệt vời. Vì những nguyên do mà các nhà thiên văn hay các nhà tâm lí học không hiểu rõ cho lắm, mặt trăng treo thấp trông lớn bất thường khi nhìn chúng qua cây cối, nhà cửa và những vật tiền cảnh khác. Vào ngày 19 tháng 3, tại sao ta lại không để “ảo giác mặt trăng” khuếch đại một mặt trăng tròn lớn thêm nữa cho dễ nhìn nhỉ? Thiên thể căng to mọc lên ở phía đông lúc hoàng hôn trông có vẻ gần đến mức bạn hầu như có thể đưa tay ra và chạm vào nó.

Đừng lo lắng. Cho dù là trăng siêu cận điểm, thì nó vẫn ở cách chúng ta 356.577km.

Nguồn: Science@NASA

Nhận xét

Bài đăng phổ biến