Sao chổi mang nước tới Mặt trăng
Một phần nước trên Mặt trăng đến từ những Sao chổi từng lao xuống hành tinh này khi nó mới hình thành.
Suốt nhiều thập kỷ qua giới khoa học luôn nghĩ Mặt trăng là hành tinh khô. Giả thuyết này bị bác bỏ sau khi Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nã tên lửa xuống trong một hố thuộc vùng tối vĩnh cửu của Mặt trăng vào năm 2009. Sau khi nghiên cứu những mẫu đất, đá văng lên do vụ nổ, các nhà khoa học khẳng định nước tồn tại trên Mặt trăng.
Bề mặt Mặt trăng. Ảnh: fluidforms.eu |
James Greenwood, một nhà vật lý thiên văn của Đại học Wesleyan tại Mỹ, cùng nhiều đồng nghiệp phân tích các mẫu đá do tàu Apollo mang về. Họ chú ý tới các đồng vị hydro trong apatite – một khoáng chất ưa nước.
Kết quả phân tích cho thấy nước trên Mặt trăng tới từ ba nguồn: lớp vỏ Mặt trăng, các proton tới từ “gió Mặt trời” và Sao chổi.
Nồng độ đồng vị hydro trong quặng apatite trên Mặt trăng tương đương nồng độ đồng vị hydro trong nhiều Sao chổi nổi tiếng, như Hyakutake và Halley.
Sao chổi được coi là những nguồn chứa nước đóng băng xoay quanh Mặt trời do chúng chứa rất nhiều nước ở phần đầu. Theo một giả thuyết được đưa ra từ thập niên 70, Mặt trăng hình thành từ một phần vật chất của địa cầu, sau khi địa cầu va chạm với một thiên thạch hoặc hành tinh khác từ 4,5 tỉ năm trước.
Nhóm Greenwood cho rằng vô số Sao chổi lao vào Mặt trăng trong quá trình hình thành của hành tinh này. Nhờ đó nước xuất hiện trên bề mặt của nó.
Nhiều nhà khoa học cho rằng các Sao chổi cũng mang theo nước và những hóa chất cần thiết đối với sự sống cho Trái đất.
Minh Văn (theo AFP)
Nhận xét
Đăng nhận xét