Những hình ảnh vật lí được yêu thích nhất trong năm 2010


Dưới đây là 15 bức ảnh được ban biên tập tạp chí Physics World bình chọn là ảnh được yêu thích nhất trong năm 2010. Các bức ảnh không sắp xếp theo trình tự đặc biệt nào hết. Một số ảnh trông thật vui, một số dùng làm tài liệu học tập, và số khác thì vẽ cho đẹp mà thôi. Chúng tôi hi vọng các bạn sẽ thích chúng.

Công tắc ánh sáng dạng đĩa và cột. Ảnh: EPFL

Bạn đừng tưởng lầm đây là một kiểu cân bằng Frisbee trên một mảng đá – nó là ảnh chụp qua kính hiển vi điện tử của transistor toàn-quang đầu tiên trên một con chip silicon.

Các khiếm khuyết tô pô học. (Ảnh: Oleg Lavrentovich, Israel Lazo và Oleg Pishnyak)

Trông tựa một cái khăn choàng cổ Hermes, nhưng nó là ảnh chụp của các khiếm khuyết hình dạng tô pô học được tạo ra khi đặt một hạt trong một tinh thể lỏng.

Phía bên kia của Mặt trăng. (Ảnh: NASA)

Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng (LRO) của NASA đã vòng lượn xung quanh Mặt trăng trong hơn một năm qua và chụp gửi về nhiều hình ảnh đẹp tráng lệ - trong số đó có bức ảnh này của phía bên kia của Mặt trăng.

Động cơ phân tử kiểu ngựa bốn chân. (Ảnh: Ludwig Bartels)

Đây là bức ảnh khiến bạn phải phì cười. Ở bên trái là ảnh minh họa của một động cơ phân tử bốn chân, nó có thể di chuyển theo kiểu y hệt như một con ngựa vậy (phải).

Cận cảnh nàng thơ nổi tiếng của danh họa Leonardo. (Ảnh: Walter Philippe)

Tại sao bức họa nổi tiếng vẽ nàng Mona Lisa của Leonardo lại có vẻ uyển chuyển tự nhiên như vậy? Câu trả lời có thể đến từ nghiên cứu quang phổ huỳnh quang tia X này tại Louvre.

Trông rõ hơn về quá khứ xa xăm. (Ảnh: ESA)

Đây là diện mạo tốt nhất từ trước đến nay của chúng ta về “bộ mặt của Chúa”, được thực hiện bởi sứ mệnh vũ trụ Planck của ESA. Chương trình khảo sát toàn bầu trời này của phông nền vi sóng vũ trụ sẽ tiết lộ cho chúng ta biết những gì về nguồn gốc của vũ trụ?

Đỉnh Matterhorn nano. (Ảnh: IBM Research, Zurich)

Việc tạo ra một mô hình của đỉnh Matterhorn [một ngọn núi ở Thụy Sĩ] chỉ cao 25 nm phải được xếp vào một trong những điều kì lạ nực cười nhất mới phải. Nhưng đó chính là cái mà Armin Knoll và các đồng nghiệp tại IBM ở Thụy Sĩ và ở Mĩ đã làm, với kĩ thuật in li tô khảo sát quét mới của họ.

Dây tơ mặt trời ở bước sóng 304 angstrom. (Ảnh: NASA)

Các tai lửa ngoạn mục cùng ánh sáng ma quái phát ra từ các dòng electron chỉ là một số cảnh ấn tượng của Mặt trời được chụp với độ phân giải cao bởi Đài thiên văn Động lực học Mặt trời (SDO) của NASA, thiết bị phóng lên quỹ đạo hồi tháng 2.

Sắt hòa trộn trong nhân ngoài sắt lỏng của trái đất.

Từ thủy động lực học có lẽ hơi phức tạp, nhưng nó thật sự tạo ra những mô phỏng máy tính hết sức ấn tượng. Những hình ảnh này do Akira Kageyama và các đồng nghiệp tại siêu máy tinh Máy mô phỏng trái đất ở Nhật Bản thực hiện, chúng cho thấy sắt lỏng có thể chảy đi như thế nào ở sâu bên trong lõi hành tinh của chúng ta để tạo ra từ trường của Trái đất.

Các hình ảnh fractal bước vào thế giới lượng tử. (Ảnh: Nhóm Yazdani , Đại học Princeton)

Bức ảnh chụp hiển vi điện tử quét này là khuôn mẫu fractal đầu tiên từng được tìm thấy trong một hệ lượng tử. Nó được thực hiện bởi Ali Yazdani và đội khoa học tại trường Đại học Princeton ở Mĩ, họ cho biết fractal trên xuất hiện khi mẫu gallium arsenide pha tạp thực hiện bước chuyển tiếp từ kim loại sang chất cách điện.

Sự khéo léo đơn giản. (Ảnh: Đại học Manchester)

Giải thưởng Nobel Vật lí năm nay được trao cho Andre Geim (trái) và Kostya Novoselov thuộc trường Đại học Manchester. Chúng tôi thích bức ảnh chụp hai nhà phát minh ra graphene đang ngồi ngoài trời vào một ngày mùa thu lãng mạn – sự tĩnh lặng trước khi cơn bão danh tiếng ập đến.

Lỗ sụp khổng lồ ở Guatemala. (Ảnh: Chính phủ Guatemala)

Trời! Đường xuống địa ngục chăng? “Cái phễu tiêu nước” 60 m này đột ngột xuất hiện trong năm nay tại thành phố Guatemala. Các nhà địa vật lí cho biết những sự co sụp như vậy có thể xảy ra khi chất lỏng chảy vào một các hốc rỗng bên dưới lòng đất, làm cho nó xói mòn thành một mạng lưới các buồng rỗng không còn chống đỡ nổi lớp đất đá bên trên nữa.

Những vòng tròn đồng tâm này có mang lại chút gợi ý nào trước Big Bang không? (Ảnh: Penrose và Gurzadyn)

Những vòng tròn đồng tâm này có mang lại chút gợi ý nào về thời kì trước Big Bang không? Roger Penrose và Vahe Gurzadyn đi đến kết luận này sau khi nghiên cứu các hình ảnh của bức xạ nền vi sóng vũ trụ. Tuy nhiên, các nhà vật lí khác vẫn chưa chịu bị thuyết phục.

Đường dòng lượn quanh một tập đoàn Volvox đang bơi. (Ảnh: K Drescher và các đồng nghiệp, Đại học Cambridge)

Các đại dương chứa đầy những vi sinh vật nhỏ bé như loài tảo này. Chuyển động bơi liên tục của chúng giữa một vai trò quan trọng, nhưng chưa được hiểu rõ lắm, trong sự chuyển vận của nhiệt và các chất dinh dưỡng. Màu sắc và các đường contour cho biết nước chảy như thế nào qua loài tảo đang bơi.

Ảnh nổi ba chiều, có thể làm tươi mới, của Máy bay phản lực Phantom F-4. (Ảnh: gargaszphotos.com/Đại học Arizona)

Bạn có nhớ cảnh trong phim Star Wars khi một ảnh nổi của bà hoàng Leia xuất hiện trước R2D2? Giờ thì Nasser Peyghambarian và các đồng nghiệp tại trường Đại học Arizona và Tập đoàn Kĩ nghệ Nitto Denko vừa tiến thêm một bước quan trọng hướng đến việc tạo ra một ảnh động như vậy. Đây là phiên bản một chiếc Phản lực Phantom F-4 của họ.

Nguồn: physicsworld.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến