Mưa sao băng Geminids 2010–Món quà trước Giáng Sinh vào Thứ ba 14/12

Đến hẹn lại lên, chúng ta đang bước vào những ngày gần kề cực điểm trận mưa sao băng Geminids, một trong những trận sao băng thuộc loại lớn và đáng tin cậy nhất trong năm vì thời gian diễn ra thường khá chính xác và tần suất sao băng thuộc loại rất lớn (khoảng 120 sao băng trong một giờ). Cũng là một sự ngẫu nhiên lí thú khi trận mưa sao băng này lại rơi vào những ngày giữa tháng chạp khoảng từ 7-17/12 hàng năm trong tiết trời đông se lạnh trước lễ Giáng Sinh, tựa như một món quà Noel tuyệt đẹp mà thiên nhiên ưu ái giành tặng cho những người quan sát kiên trì đam mê khám phá bầu trời đêm. Trước khi đến với Geminids năm nay, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu đôi nét về “Món quà trước Giáng Sinh” đặc biệt này nhé.

>>>Xem Thêm: Lịch mưa sao băng 2011



Thế nào là sao băng:
Sao băng trông thấy trên bầu trời như là những vệt sáng di chuyển rất nhanh giữa nền trời sao trong khoảnh khắc từ vài phần giây đến vài giây rồi biến mất. Đó là kết quả của những mảnh vật chất nhỏ trong vũ trụ rơi vào khí quyển trái đất và bốc cháy. Người ta vẫn thường giải thích nguyên nhân do sự ma sát mạnh giữa không khí và vật thể, tuy nhiên sự giải thích chính xác hơn lại theo một cơ chế phức tạp rằng nhiệt độ sinh ra sự cháy này không chỉ từ sự ma sát và phần lớn là từ phần khí bị nén mạnh ngay phía trước vật thể đang di chuyển cực nhanh gây ra theo định luật vật lý. Sự nén này đôi khi mang lại kết quả làm những sao băng lớn vỡ làm nhiều mảnh trước khi tan biến.

Độ sáng, độ dài, tốc độ, thời gian tỏa sáng và màu sắc của vệt sao băng tùy thuộc vào kích thước, vận tốc và thành phần cấu tạo của các vật thể. Màu thường gặp của sao băng là vàng đến cam, đôi khi xuất hiện những sao băng hiếm có ánh xanh lục, những sao băng lớn sáng rực như quả cầu lửa để lại một đuôi bụi kéo dài hoặc vỡ ra thành nhiều sao băng nhỏ hơn, người quan sát thường gọi những sao băng ấy là những fireball.

Mưa sao băng và nguồn gốc Geminids:
Các sao chổi trên hành trình của nó tiến lại gần Mặt Trời, nhiệt độ tăng làm vật chất của sao chổi bốc hơi và dưới áp suất của gió Mặt Trời, tạo nên các đuôi bụi, băng và khí. Các vật chất nhỏ gồm bụi và băng phát tán từ sao chổi vương vãi xung quanh quĩ đạo của nó. Khi Trái Đất trong quĩ đạo quay quanh Mặt Trời của mình đi vào vùng bụi này vào khoảng thời gian nào đó trong năm sẽ xuất hiện các trận mưa sao băng.

Geminids bắt đầu xuất hiện từ giữa thế kỉ 19 kéo theo sự bí ẩn về nguồn gốc của nó, mãi cho đến năm 1983 bí ẩn này mới được NASA làm sáng tỏ khi tìm ra được vật thể 3200 Phaethon có lẽ chính là kẻ đã gây ra trận mưa sao băng nổi tiếng này. Vật thể Phaethon có đường kính khoảng 5km, cấu tạo chủ yếu từ vật chất rắn và một ít băng đá, chính vì thế nó giống như là một tiểu hành tinh hơn là sao chổi. Các nhà khoa học tin rằng Phaethon chính là phần nhân của một sao chổi nào đó còn sót lại sau những cuộc hành trình của nó và bị gió mặt trời thổi hết lớp băng đá bên ngoài.


Quỹ đạo 3200 Phaethon nguyên nhân tạo nên Gemninids

Mưa sao băng Geminids năm nay sẽ rơi vào Đêm Thứ ba-14/12:
Theo dự báo của IMO (International Meteor Ogranization - imo.net), cực điểm của Geminids năm nay sẽ rơi vào khoảng 11h ngày 14/12 giờ UT tương đương 18h ngày 14/12/2010 giờ Việt Nam. Tức là chúng ta sẽ đón đợt cực điểm này trễ hơn một tí vào đêm ngày 14/12 khi tâm điểm sao băng là chòm Gemini (Song Tử) bắt đầu xuất hiện và dần lên cao trên bầu trời, cụ thể như sau:

Vào những ngày giữa tháng 12 này chòm Gemini bắt đầu ló dạng khỏi chân trời Đông vào khoảng 19h tối, nhưng chúng ta sẽ đợi đến khoảng 21h tối để bắt đầu quan sát khi vùng “tâm điểm” này lên cao hơn khoảng 20 độ (từ chân trời lên đỉnh đầu là 90 độ). Từ thời điểm 21h đêm ngày Thứ ba – 14/12 bạn bắt đầu quan sát vùng trời Đông hướng chòm Gemini và sẽ nhận thấy tần số sao băng xuất hiện ngày càng nhiều khi đêm càng về khuya, tức là chòm Gemini lên càng cao và không bị lớp mây và khí quyển dày gần chân trời che mất. Hãy nhớ theo dõi vị trí chòm Gemini, theo chuyển động nhật động của bầu trời nó sẽ lên cao nhất gần đỉnh đầu vào khoảng 1h sáng và bắt đầu hành trình xuống phía chân trời Tây.
Điều thuận lợi là vào ngày này, chúng ta ít bị ảnh hưởng bởi ánh trăng trung tuần ở hướng Tây và trăng sẽ lặn khuất vào khoảng 0h30 sáng.

Bạn chưa biết chòm Gemini ? Hãy yên tâm, bạn hoàn toàn có đủ thời gian để xác định nó trước, hãy đợi nó lên khá cao rồi dùng bản đồ sao hỗ trợ, nó là một chòm có 2 sao chính nổi bật là Castor và Pollux nằm phía dưới (hướng xuống chân trời) và chếch về phía bên trái chòm Orion (đang nằm ngang) lúc mới mọc.

Ảnh này đã được làm nhỏ lại. Bấm vào đây để xem kích thước thật 1024x710.

Từ 21h chòm Gemini cùng vùng tâm điểm Geminids đã lên cao ở vùng trời hướng Đông vào 14/12

Bạn cũng có thể dành quỹ thời gian cả đêm quan sát của mình một ít để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng trời nơi Lục Giác Mùa Đông bao gồm 6 ngôi sao sáng của 6 chòm sao nổi tiếng hợp thành, đó là: Orion, Canis Major (chó lớn), Canis Minor (chó nhỏ), Gemini, Auriga (ngự phu), Taurus (kim ngưu) . Ngoài ra trong vùng lục giác này còn có đều Tam Giác Mùa Đông được đánh dấu bởi ba ngôi sao sáng rực mang tên Sirius (chòm Canis Major), Betelgeuse (Orion) và Procyon (Canis Minor).

Đêm càng về khuya và gần sáng, bầu trời sao mùa Xuân sẽ dần hiện ra từ chân trời Đông, bạn có thể tham khảo thêm bài viết Bầu trời mùa xuânhttp://thienvanhoc.org/haac/quan-sat...-mua-xuan.html


Vài kinh nghiệm cá nhân khi quan sát:

- Luôn chú ý đến thời tiết và lượng mây cũng như sương mù vì chúng là khắc tinh của sao băng cũng như bầu trời sao. Hãy chắc rằng bầu trời quang đãng hoặc gợn mây rất nhẹ, đừng phí thời gian quan sát với bầu trời đỏ rực đầy mây.

- Càng tránh xa ánh sáng đô thị bạn càng có thể trông thấy nhiều sao băng, đôi khi có thể ngỡ ngàng về tần số chúng xuất hiện.

- Nhớ chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết cho quan sát, kể cả áo khoác, găng, tất, mũ chống sương, kem chống muỗi, đồ ăn và thức uống nóng giàu năng lượng … nếu bạn có kế hoạch quan sát suốt đêm dài trong tiết trời đông này.

- Quan sát nhiều người sẽ rất vui nếu bạn chọn được một địa điểm cắm trại lí tưởng, Tuy nhiên hãy chú ý đến vấn đề an ninh và đảm bảo an toàn.

Kinh nghiệm về mưa sao băng:

- Cực điểm rơi vào đêm 14/12 tuy nhiên những ngày trước và sau cực điểm bạn cũng hoàn toàn có thể quan sát với tần suất sao băng rất cao chỉ kém cực điểm đôi chút với thời gian quan sát như trên .

- Chú ý tâm điểm ở chòm Gemini không có nghĩa các sao băng luôn xuất phát từ đây, chúng có thể bất chợt xuất hiện ở những vùng lân cận đó, thậm chí rất xa, tuy nhiên phương di chuyển của chúng luôn quy về chòm Gemini.

- Mưa sao băng không có nghĩa là sao băng bay như mưa, bạn đừng trông đợi điều này. Tuy nhiên tần số xuất hiện sao băng khoảng dưới 1 phút có 1 sao băng là điều có thể. Lưu ý rằng đôi khi bầu trời rất im lặng trong thời gian dài đến hơn 15 phút nhưng có lúc vài sao băng thi nhau xuất hiện cùng lúc, điều này rất thường xảy ra và rất dễ làm chúng ta nản lòng .

- Nếu quan sát lâu bạn hãy dùng tấm lót hoặc tốt nhất là chiếu du lịch tìm chỗ ngã người ra để không gây mỏi khi quan sát. Việc này rất có ích khi chòm Gemini đã lên hơn lưng chừng trời. Một kinh nghiệm là bạn hãy nằm hướng chân về hướng tâm điểm để thấy được nhiều sao băng hơn.

- Đừng cố gắng ghi hình sao băng bằng máy ảnh du lịch hoặc cả máy chuyên nếu bạn chưa có kinh nghiệm, nếu có hứng thú bạn hãy cùng HAAC trao đổi vấn đề này tại diễn đàn trước khi thực hành. Những điều cơ bản cho việc ghi hình sao băng thành công như “khẩu độ” mở lớn nhất, nhạy sáng cao, phơi sáng dài, ống kính trường rộng, tripod hoặc chân đế có nhật động … tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, quan trọng hơn cả là sự may mắn .


Mưa sao băng Geminids này, HAAC làm gì ?

1. Chuyến quan sát và “trực tiếp truyền hình” tại thị xã Bảo Lộc – Lâm Đồng:
Hiện nay HAAC đã lập ra một nhóm hơn 10 thành viên sẽ di chuyển từ Tp.HCM lên Bảo Lộc vào đêm 10/12, nhóm này sẽ phối hợp cùng chi nhánh tại Bảo Lộc – BAAC tổ chức một buổi cắm trại quan sát và ghi hình Geminids với quy mô nhỏ tại khu vực nông trường Kohinda vào đêm 11/12. Do dự định tập trung cao cho việc ghi hình nên CLB chỉ tổ chức cùng một số thành viên nhất định mà không phát động rộng rãi.

Cũng theo kế hoạch, nhóm HAAC sẽ cố gắng thực hiện việc truyền hình ảnh và âm thanh trực tiếp từ buổi quan sát tại Kohinda về mọi người ở khắp nơi có thể cùng theo dõi và chia sẽ những cảm xúc. Tính chất tương tự một buổi truyền hình trực tiếp qua kênh riêng từ Internet.

Buổi trực tiếp này không thể chắc chắn 100 % vì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thời tiết, chất lượng mạng không dây tại Kohinda nhưng HAAC sẽ cố gắng thực hiện. Nếu có quyết định chính thức sẽ có thông báo tiếp theo.


HAAC chụp ảnh và quan sát mưa sao băng năm 2009


2. Tổ chức quan sát tại Tp.HCM:
Nếu thời tiết thuận lợi tại khu vực Tp.HCM vào những đêm ngày 14-15/12, có khả năng chúng ta sẽ tiếp tục tổ chức một buổi quan sát tập trung dành cho mọi người tại Tp.HCM có cơ hội chiêm ngưỡng sao băng Geminids. Việc này hoàn toàn phụ thuộc vào thời tiết nên các bạn hãy chú ý theo dõi những thông báo quyết định cuối cùng vào những ngày kề cận thời gian trên để biết buổi quan sát có diễn ra hay không.


Cuối cùng xin chúc các bạn có những đêm quan sao băng thú vị với nhiều điều ước từ mỗi ngôi sao băng kì diệu sẽ thành hiện thực, “món quà Giáng Sinh” sẽ đáp lại tất cả những người có đam mê và lòng kiên trì với bầu trời đêm huyền diệu.

Một mùa Noel an lành cùng những đêm đầy sao trời !

Mọi người có thể tham khảo thêm tại đây nha.

Đôn Orion – HAAC

Nhận xét

Bài đăng phổ biến