Phát hiện quặng hổ phách khổng lồ ở Ấn Độ
Những con ong, mối, nhện, và ruồi vùi chôn trong một quặng hổ phách mới khai quật hiện đang thách thức giả thuyết cho rằng Ấn Độ là một đảo lục địa tách rời vào kỉ Eocene Sớm, hay cách đây 52-50 triệu năm trước. Các động vật chân đốt tìm thấy ở quặng mỏ Cambay thuộc miền tây Ấn Độ không phải là duy nhất – như cái người ta trông đợi đối với một hòn đảo – mà có quan hệ tiến hóa gần gũi với các hóa thạch ở những lục địa khác. Quặng hổ phách trên cũng là bằng chứng cổ xưa nhất của một khu rừng mưa nhiệt đới lá rộng ở châu Á. Phát hiện trên công bố trong số ra tuần này của tờ Proceedings of the National Academy of Sciences.
Đây là ảnh chụp REM của một khuẩn cầu nhỏ xíu dìm trong miếng hổ phách. Ảnh: Đại học Bonn
“Chúng ta biết lục địa Ấn Độ từng bị cô lập, nhưng khi nào chính xác trong bao lâu thì chưa rõ”, theo lời David Grimaldi, người phụ trách Phân viện Động vật học Không xương sống tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kì. “Bằng chứng sinh vật trong quặng hổ phách cho thấy đã có một số liên hệ liên quan đến sự sống”.
“Hổ phách cho thấy, giống như một bức ảnh cũ, sự sống trông như thế nào ở Ấn Độ ngay trước khi va chạm với lục địa Á”, phát biểu của Jes Rust, giáo sư Cổ sinh vật học Không xương sống tại trường Đại học Bonn ở Đức. “Những con côn trùng bị giữ lại trong nhựa thông hóa thạch mang thêm ánh sáng mới cho lịch sử của tiểu lục địa này”.
Hổ phách từ các cây lá rộng là hiếm có trong dữ liệu hóa thạch tính đến Kỉ thứ ba, hay sau khi loài khủng long bị tuyệt chủng. Trong thời kì này, các cây xanh có hoa thay cho các cây có quả hình nón bắt đầu thống trị rừng rậm và phát triển hệ sinh thái vẫn sinh sôi ở xích đạo ngày nay. Hổ phách mới, và hổ phách lấy từ Colombia có tuổi già hơn 10 triệu năm, cho thấy rừng cây nhiệt đới có tuổi lớn hơn người ta nghĩ.
Con kiến này đã bị bắt giữ cách đây hơn 50 triệu năm và vẫn giữ hình dạng tương đối tốt. Ảnh: Đại học Bonn
Trong bài báo nghiên cứu trên, Grimaldi, Rust, và các đồng nghiệp, mô tả hổ phách Cambay là bằng chứng cổ xưa nhất của rừng cây nhiệt đới ở châu Á. Hổ phách trên có liên quan hóa học với Dipterocarpaceae, một họ cây gỗ cứng hiện chiếm tới 80% tán rừng ở Đông Nam Á. Gỗ hóa thạch từ dòng họ này cũng đã được tìm thấy, khiến quặng mỏ này là bản ghi chép sớm nhất của những loài cây này ở Ấn Độ và cho thấy họ hàng cây này có tuổi cao gấp hai lần con số nhiều người ta vẫn tin. Có khả năng nhất là nó đã phát sinh khi các bộ phận của siêu lục địa phương nam Gondwana vẫn còn kết nối với nhau.
Cũng tường thuật trong bài báo trên là 100 loại động vật chân đốt đại diện cho 55 họ và 14 loài. Một số trong những loài này là các côn trùng có quan hệ xã hội cao như ong mật và ong không kim châm, mối rhinotermitid, và kiến, cho thấy những nhóm này đã phân tán trong hoặc ngay trước thời kì Eocene sớm. Và nhiều hóa thạch Cambay có họ hàng trên những lục địa khác – mặc dù không ở nơi mà người ta trông đợi chúng. Thay vì tìm thấy các mắc xích tiến hóa với châu Phi và Madagascar, những bằng chứng cho thấy Ấn Độ gần đây nhất đã kết nối như là một phần của lục địa Gondwana, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các quan hệ họ hàng ở Bắc Âu, châu Á, Australia và châu Mĩ.
“Cái chúng tôi tìm được cho thấy Ấn Độ không hoàn toàn tách rời, cho dù trầm tích Cambay có niên đại từ một thời kì trước khi lục địa Ấn Độ va đập vào lục địa Á”, phát biểu của Michael Engel, một giáo sư tại khoa Sinh thái học và Sinh học Tiến hóa và là người phụ trách khoa côn trùng học tại trường đại học Kansas. “Có lẽ đã có một số liên hệ nào đó”.
Khí hậu có thể cũng có vai trò nào đó trong họ động vật tìm thấy trong hổ phách Cambay. Kỉ Eocene Sớm là một thời kì khí hậu ấm lên: vùng nhiệt tới bao trùm tới hai địa cực. Các nhà nghiên cứu dự đoán rằng khí hậu trên sẽ có một tác dụng nào đó lên sự phân bố của động vật chân đốt.
Loài Psocoptera này được tìm thấy trong hổ phách Cambay ở miền tây Ấn Độ. Ảnh: David Grimaldi/AMNH
Con nhện này được tìm thấy trong quặng hổ phách Cambay ở miền tây Ấn Độ. Ảnh: David Grimaldi/AMNH
Con kiến này được tìm thấy trong quặng hổ phách Cambay ở miền tây Ấn Độ. Ảnh: David Grimaldi/AMNH
Nguồn: PhysOrg.com
Nhận xét
Đăng nhận xét