10 cách để chặn đứng thiên thạch va vào Trái đất

Giới khoa học vừa lên tiếng cấp báo Trái đất có thể đón một thiên thạch khổng lồ vào năm 2182, tức 172 năm nữa. Nếu tình huống trên xảy ra, con người chắc hẳn không thể nào tồn tại. Tuy nhiên, điều may mắn là hiện nay con người có thể lựa chọn ít nhất 1 trong 10 kế hoạch đối phó với thảm họa từ các thiên thạch gần Trái đất.

1. Bắn hạ thiên thạch bằng vũ khí hạt nhân

Điều này xem ra hết sức có lý, vì nếu vũ trụ "chơi" mạnh tay với loài người thì chúng ta cũng có quyền sử dụng bom hạt nhân.

Ý tưởng gửi "giỏ quà" hạt nhân cho thiên thạch đe dọa Trái đất không phải là để làm nổ tung nó, mà muốn làm chệch hướng bay của “kẻ khủng bố”.

Người ta cũng đang cân nhắc khả năng phóng chùm tia phóng xạ vào thiên thạch với mục tiêu làm bốc hơi một phần bề mặt của nó. Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đề nghị điều động các tàu đánh chặn hạt nhân để xử lý thiên thạch.

Một vụ nổ phóng xạ có thể làm chệch hướng bay của thiên thạch - Ảnh: DoD

2. “Vỗ yêu” thiên thạch

Một số nhà khoa học cho rằng kế hoạch dùng vũ khí hạt nhân bắn thiên thạch có vẻ quá cường điệu. Tại sao không chọn cách “vỗ yêu” nó để thiên thạch ngoan ngoãn đổi hướng bay, giống như đánh bida chẳng hạn.

Theo NASA, chỉ cần chạm một lực vừa đủ để đẩy thiên thạch khỏi đường bay của nó mà không gây sứt mẻ gì cho cả đôi bên.

Theo trang Space.com, chỉ cần một lực di chuyển với tốc độ 1,6 km/giờ cũng có thể làm chệch hướng bay của thiên thạch đến 273.500 km, nếu chúng ta bắn trước thời điểm va chạm ước tính giữa thiên thạch với Trái đất khoảng 20 năm.

Tác động nhỏ cũng đủ xua tan nguy hiểm, chỉ cần bắn đúng thời điểm - Ảnh: UCSC

3. Sơn... thiên thạch

Thoạt tiên, chuyện sơn thiên thạch nghe có vẻ hết sức kỳ cục, vì khi thời điểm đen tối đang phủ lên Trái đất thì ai còn lòng dạ nào mà đi sơn với phết.

Nhưng nếu nghĩ đến phạm trù “Cơ chế quỹ đạo năng lượng mặt trời”, ý tưởng này hoàn toàn có lý. Trong ngày nắng nóng, liệu bạn chọn mặc áo trắng hay áo đen? Tất nhiên ai cũng sẽ chọn áo trắng, vì nó giúp phản chiếu trở lại các tia bức xạ từ mặt trời, trong khi màu đen sẽ hấp thu những tia này.

Câu trả lời tương tự trong trường hợp sơn thiên thạch. Nếu sơn một phần thiên thạch màu trắng, phần này sẽ chịu lực đẩy mạnh hơn từ bức xạ mặt trời, tạo ra một lực đẩy nhẹ và dần dần hướng thiên thạch ra khỏi đường bay “tử thần”.

Thiết bị đo bức xạ ghi nhận sự phản chiếu ánh sáng ở phần sơn trắng - Ảnh: Science Museum/Science and Society Picture Library

4. Gắn buồm năng lượng mặt trời cho thiên thạch

Có thể việc sơn phết nghe ra chẳng thuyết phục được nhiều người, ít nhất là nhóm nghiêng về giải pháp sử dụng năng lượng gió của mặt trời để đối phó sự tấn công của thiên thạch.

Cứ hình dung như thế này, một phi thuyền được gửi lên vũ trụ, mang theo nhiệm vụ gắn một cánh buồm khổng lồ sử dụng năng lượng mặt trời lên bề mặt của một thiên thạch gần Trái đất. Cánh buồm này, một khi được giương lên, sẽ phản chiếu bức xạ mặt trời và nhẹ nhàng đẩy thiên thạch ra khỏi mục tiêu ban đầu của nó. Thậm chí trong một số kế hoạch, cánh buồm có thể được trang bị thêm chức năng điều khiển từ xa.

Dù được không ít người ủng hộ, ý tưởng gắn buồm cho thiên thạch bị nghi ngờ về tính khả thi của nó. Nói cho cùng, những tảng đá khổng lồ luôn nhào lộn và xoay không ngừng khi di chuyển, nên chuyện gắn được buồm lên chúng là cả một vấn đề.

Gắn buồm hấp thu năng lượng mặt trời cho thiên thạch cũng là một cách - Ảnh: University of Leicester

5. Gài bẫy thiên thạch

Quăng lưới chụp thiên thạch nghe có vẻ như là chuyện trong phim khoa học viễn tưởng, nhưng NASA đang cân nhắc kế hoạch này một cách nghiêm túc.

Các nhà khoa học của NASA cho rằng một tấm lưới làm bằng sợi carbon, nặng khoảng 250kg, có thể đủ để thay đổi lộ trình của thiên thạch Apophis, thiên thạch được cho là có xác suất cao nhất đâm vào Trái đất trong thời gian sớm nhất, vào năm 2036.

Theo tính toán, chất liệu tấm lưới đóng vai trò như một cánh buồm năng lượng mặt trời, tăng cường lượng bức xạ mặt trời hấp thụ và thải ra của thiên thạch.

Giống như kế hoạch sơn và gắn buồm cho thiên thạch, một tấm lưới màu sắc có thể kéo thiên thạch khỏi mục tiêu ban đầu - Ảnh: stock.xchng

6. Chiếu gương vào thiên thạch

Theo truyền thuyết, gương là khắc tinh của ma cà rồng và nữ quỷ tóc rắn Medusa trong thần thoại Hy Lạp, vậy tại sao không dùng gương thử đối phó với các “yêu quái” thiên thạch?

Phương pháp này cũng khá giống với cách dùng vũ khí hạt nhân: đặt gương ở một vị trí chiến lược, chiếu tia mặt trời vào thiên thạch làm một phần bề mặt của nó nóng chảy. Trong quá trình này, khí thoát ra sẽ đẩy thiên thạch sang hướng khác.

Dùng nhiều gương tập trung đủ ánh sáng vào bề mặt thiên thạch có thể giúp đẩy nó khỏi đường bay gây nguy hiểm cho Trái đất - Ảnh: University of Glasgow

7. Gắn tên lửa vào thiên thạch

Các chuyên gia đề nghị đáp một phi thuyền lên bề mặt thiên thạch, đào hố và chôn một số tên lửa hóa chất vào lòng thiên thạch.

Một số chuyên gia đồng ý rằng cách tác động trực tiếp này có thể cho kết quả khả quan hơn là những cách bị đánh giá là quá dễ dàng như phía trên.

Cách gắn tên lửa được cho là quá phức tạp và ngốn quá nhiều chi phí - Ảnh: NASA

8. Dùng lực hấp dẫn kéo thiên thạch

Đối với nhiều người, cụm từ “máy kéo lực hấp dẫn” có vẻ chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng trong các phim như Star Trek, nhưng trong thực tế, lập luận này khá đơn giản.

Mọi vật thể trong vũ trụ đều phát ra lực hấp dẫn, dù đó là thiên thạch hay phi thuyền do con người tạo ra. Lực hấp dẫn có thể là một trong những lực tương tác yếu nhất trong vũ trụ, nhưng nó cũng là lực có thể được tận dụng bất cứ lúc nào vì mọi cái bạn cần là một ít khối lượng.

Về mặt lý thuyết, con người chỉ cần gửi một robot cỡ bự đến gần thiên thạch và kéo nó đi chỗ khác với một lực hút nhỏ.

Xem ra dùng lực hấp dẫn có vẻ là một phương pháp khá đơn giản - Ảnh: Dan Durda/FIAAA/B612 Foundation

9. Triển khai robot nhai thiên thạch

Cách này nghe có vẻ quá điên khùng, nhưng NASA đã chi tiền cho dự án nghiên cứu ý tưởng điều động robot lên xơi tái thiên thạch trước khi nó có thể gây nguy hiểm cho Trái đất.

Theo dự án này, viết tắt là MADMEN, một nhóm robot sử dụng năng lượng hạt nhân sẽ được phóng thẳng lên bề mặt thiên thạch. Khi lên đến nơi, chúng sẽ khoan sâu vào lòng thiên thạch và thải đất đá ra ngoài vũ trụ bằng nam châm điện.

Kế hoạch này liệu có thực sự khả thi hay không? - Ảnh: Astrium

10. Chuẩn bị đón đầu

Nếu không cách nào ở trên mang lại hiệu quả thực tế, con người chẳng còn cách nào khác là phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất, đó là thiên thạch đâm thẳng vào Trái đất.

Từ đây cho đến ngày đen tối đó chắc hẳn giới khoa học sẽ tìm ra cách giúp con người sống sót khỏi một trận đại hồng thủy, như chế tàu khổng lồ trong phim 2012 chẳng hạn.

Nếu mọi phương pháp đều thất bại, con người phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất - Ảnh: NASA

Theo Howstuffworks.com, ThanhNienOnline

Nhận xét

Bài đăng phổ biến