Nhật Bản cấp ODA cho công nghiệp vũ trụ Việt Nam


Nhật Bản vừa quyết định sẽ cung cấp khoản vay ODA trị giá 40 tỷ yen (tương đương 480 triệu USD) cho Việt Nam để phát triển các chương trình thám hiểm không gian.

Đây là lần đầu tiên vốn hỗ trợ phát triển chính thức của Nhật được dành cho một lĩnh vực được xem là "xa xỉ" như thế này. Trước đây, vốn ODA dành cho Việt Nam thường tập trung để phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hồi tháng 4/2009, Việt Nam đã đề nghị phía Nhật hỗ trợ cho chương trình không gian.

Với trị giá từ 35 đến 40 tỷ yen, khoản vay chi cho 3 dự án, bao gồm xây dựng trung tâm mặt đất, hai vệ tinh quan sát và một khóa đào tạo kỹ sư.

Quyết định cuối cùng được đưa ra vào cuối tháng này tại phiên họp cấp bộ trưởng. Sau đó, theo lộ trình, hai Chính phủ sẽ ký văn bản thỏa thuận vào tháng 6 tới, và ký hợp đồng chính thức vào mùa thu năm nay, theo nguồn tin từ nhật báo Yomiuri Shimbun của Nhật bản.

Một trong hai chiếc vệ tinh sẽ do phía Việt Nam sản xuất, dưới sự hỗ trợ các chuyên gia Nhật. Ảnh: spacetoday.org
Theo kế hoạch, trung tâm nghiên cứu không gian sẽ được đặt tại khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc, đang trong quá trình xây dựng tại Hà Nội. Trung tâm này sẽ có đầy đủ các trang thiết bị, cùng hệ thống điều khiển vệ tinh và thiết bị phân tích dữ liệu.

Trong số hai vệ tinh, có một chiếc được sản xuất tại Nhật và được phóng lên từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima Space Center của Nhật Bản vào năm 2017.

Tiếp đó, Viện Thám hiểm không gian Nhật, cùng vài hãng tư nhân khác, sẽ huấn luyện các kỹ thuật viên Việt Nam cách sản xuất, vận hành vệ tinh, cũng như phương pháp xử lý các dữ liệu mà vệ tinh mang về.

Chính đội ngũ các kỹ thuật viên được huấn luyện này của Việt Nam sẽ đảm nhiệm sản xuất chiếc vệ tinh còn lại. Theo dự kiến, công việc sản xuất vệ tinh "made in Vietnam" được bắt đầu vào khoảng năm 2019. Nhật Bản sẽ gửi các thiết bị cần thiết và đội ngũ kỹ sư sáng Việt Nam để chuẩn bị cho lễ ra mắt vệ tinh này vào khoảng năm 2020.

Hệ thống quan sát không gian và vệ tinh được kỳ vọng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho ngành khí tượng tại Việt Nam. Với đặc điểm địa lý là một đất nước dài và hẹp, trải dài từ bắc xuống nam, Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng bởi khí hậu không ổn định, nhiều thiên tai.

Còn về phía Nhật Bản, giới quan sát cho rằng thông qua việc hỗ trợ Việt Nam, Chính phủ Nhật cũng muốn tăng cường danh tiếng lâu nay về kỹ thuật không gian của Nhật. Đồng thời dự án cũng được kỳ vọng sẽ mang lại sự phát triển công nghiệp cho nước này.

Thanh Bình

Theo: Vnexpress


Nhận xét

Bài đăng phổ biến