Sứ mệnh Solar Probe Plus lao thẳng vào khí quyển Mặt trời
NASA đã bắt đầu phát triển một sứ mệnh đến thăm và nghiên cứu mặt trời ở cự li gần hơn bất kì sứ mệnh nào từ trước đến nay. Dự án không có tiền lệ ấy, tên gọi là Solar Probe Plus, dự kiến sẽ rời bệ phóng không muộn hơn năm 2018.
Phi thuyền Solar Probe Plus với các tấm mặt trời gấp thành các lá chắn bảo vệ của nó, thu thập dữ liệu khi nó tiếp cận với Mặt trời. Ảnh: JHU/APL
Phi thuyền vũ trụ cỡ nhỏ bằng chiếc xe hơi sẽ lao thẳng vào khí quyển của mặt trời ở cự li cách bề mặt ngôi sao của chúng ta chừng bốn triệu dặm. Nó sẽ khảo sát một vùng chưa có phi thuyền nào trước đây từng chạm tới. NASA đã chọn ra năm nghiên cứu khoa học sẽ vén màn những bí ẩn lớn nhất của mặt trời.
“Các thí nghiệm được chọn cho Solar Probe Plus được thiết kế đặc biệt để giải hai câu hỏi chủ yếu của ngành vật lí nghiên cứu mặt trời – tại sao khí quyển bên ngoài của mặt trời nóng hơn nhiều so với bề mặt nhìn thấy của ngôi sao và cái gì đẩy gió mặt trời ra làm ảnh hưởng đến trái đất và hệ mặt trời của chúng ta?”, phát biểu của Dick Fisher, giám đốc Phân viện Vật lí Mặt trời của NASA ở Washington. “Chúng ta đã vật lộn với những câu hỏi như thế này hàng thập niên rồi và sứ mệnh này cuối cùng sẽ mang lại những câu trả lời đó”.
Khi phi thuyền trên tiếp cận mặt trời, lá chắn nhiệt carbon-composite tiên tiến của nó phải chống chọi với nhiệt độ vượt quá 2550 độ Fahrenheit và những đợt bùng phát bức xạ mạnh. Phi thuyền sẽ cung cấp tầm nhìn gần và trực tiếp vào mặt trời, cho phép các nhà khoa học hiểu rõ hơn, mô tả và dự báo tốt hơn môi trường bức xạ cho các chuyến thám hiểm vũ trụ trong tương lai.
Hồi năm 2009, NASA đã mời các nhà nghiên cứu đưa ra các đề xuất khoa học. Mười ba đề xuất đã được đánh giá bởi một ủy ban của NASA và các nhà khoa học ngoài. Tổng chi phí đầu tư cho năm nghiên cứu được chọn là xấp xỉ 180 triệu USD cho việc phân tích, thiết kế sơ bộ, phát triển và kiểm tra.
“Dự án này cho phép tài khéo léo của con người đi tới nơi chưa có phi thuyền nào từng tới trước đây”, phát biểu của Lika Guhathakurta, nhà khoa học thuộc chương trình Solar Probe Plus tại tổng hành dinh của NASA ở Washington. “Đây là lần đầu tiên chúng ta sẽ có thể chạm, nếm và ngửi mặt trời của chúng ta”.
Nguồn: JPL/NASA, PhysOrg.com
Nhận xét
Đăng nhận xét