Phát hiện có nước trên một tiểu hành tinh thứ hai

Nước đóng băng trên các tiểu hành tinh có lẽ phổ biến hơn người ta trông đợi, theo một nghiên cứu mới công bố hôm 7/10 tại cuộc họp lớn nhất thế giới của các nhà hành tinh học.

Ảnh: Gabriel Pérez, Instituto de Astrofisica de Canarias, Tây Ban Nha

Hai đội nghiên cứu đã làm mưa gió trên các tờ báo ở Mĩ hồi tháng 4 rồi với việc trưng bày bằng chứng đầu tiên của nước đóng băng và các phân tử hữu cơ trên một tiểu hành tinh nay lại phát hiện thấy tiểu hành tinh 65 Cybele cũng có chứa nước.

“Khám phá này cho thấy vùng này của hệ mặt trời của chúng ta chứa nhiều nước hơn người ta lường trước”, phát biểu của giáo sư Humberto Campins tại Đại học Trung Florida. “Và nó ủng hộ lí thuyết cho rằng các tiểu hành tinh có lẽ đã va chạm với trái đất và mang đến cho hành tinh của chúng ta nước và những viên gạch cấu trúc của sự sống hình thành và phát triển ở đây”.

Campins trình bày các kết quả của đội trong Hội nghị Hành tinh học thường niên lần thứ 42 ở Pasadena, California, tổ chức vào hôm 8/10.

Tiểu hành tinh 65 Cybele hơi lớn hơn tiểu hành tinh 24 Themis – đối tượng của bài báo đầu tiên của đội. Cybele có đường kính 290 km. Themis có đường kính 200 km. Cả hai nằm trong cùng một vùng thuộc vành đai tiểu hành tinh giữa Hỏa tinh và Mộc tinh.

Bài báo tường thuật kết quả mới này của họ sẽ được đăng trên tạp chí châu Âu "Astronomy and Astrophysics."

Campins là một chuyên gia về tiểu hành tinh và sao chổi. Ông đã thu hút sự chú ý với bài báo công bố trên tạp chí Nature trình bày bằng chứng đầu tiên của nước đóng băng và các phân tử hữu cơ trên tiểu hành tinh 24 Themis. Ông còn làm việc trong vài sứ mệnh khoa học với NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu.

Nguồn: Đại học Trung Florida, Physorg.com

Nhận xét

Bài đăng phổ biến