Thảm họa trên địa cầu

Từ đầu thế kỷ XX đến nay, không ít lần con người tỏ ra bất lực trước sức tàn phá của các cơn địa chấn, sóng thần.


Mức độ gây thiệt hại của các trận động đất, sóng thần bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố. Ngoài độ lớn thường được đo theo thang Richter, điều kiện cơ sở hạ tầng nơi bị động đất, vị trí tâm chấn (tại khu vực thành thị đông đúc hay làng mạc, nông thôn vắng vẻ), khả năng ứng phó với động đất, sóng thần của người dân,… đều tạo ra sự khác biệt. Nhật Bản vốn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi động đất, sóng thần nên từ lâu đã nổi tiếng là nước có khả năng chống lại các loại thiên tai này hiệu quả nhất thế giới. Với quy mô 8,9 độ Richter, trận động đất hôm 11.3 nếu xảy ra tại một nước khác, con số thương vong và thiệt hại về vật chất có thể đã cao hơn rất nhiều.

Thử điểm qua các trận động đất, sóng thần gây ảnh hưởng nhất kể từ năm 1900 đến nay, có thể dễ dàng nhận thấy nhiều trận động đất có độ Richter cao ngất ngưởng nhưng thương vong gây ra chỉ ở mức trung bình. Điển hình là tại Chile năm 1960 đã xảy ra một trận động đất 9,5 độ Richter kèm theo sóng thần khiến hơn 5.700 người thiệt mạng hay trận động đất 9,2 độ Richter 4 năm sau đó tại Alaska, Mỹ, đã gây ra cái chết cho hàng trăm người, theo Le Figaro. Đây là 2 trận động đất mạnh nhất kể từ đầu thế kỷ XX.

Nhiều trận động đất yếu hơn vẫn có thể gây thiệt hại nặng nề hơn rất nhiều. Cơn địa chấn 7-7,3 độ Richter ngày 12.1.2010 tại Haiti làm 250.000 đến 300.000 người thiệt mạng, hơn 300.000 người bị thương và 1,2 triệu người mất nhà cửa, theo L'Express. Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) ước tính trận động đất này gây thiệt hại từ 8,1-13,9 tỉ USD. Đến nay, vẫn còn 800.000 người Haiti phải sống trong hàng ngàn khu lều trại tạm bợ tại Thủ đô Port-au-Prince. Các chuyên gia cho rằng tình trạng cơ sở hạ tầng xuống cấp, người dân không được cung cấp đủ kiến thức, dụng cụ để đối phó động đất và những khó khăn về kinh tế làm ảnh hưởng công tác cứu hộ là những nguyên nhân chính khiến hậu quả trở nên đặc biệt nghiêm trọng.


Thảm khốc không kém là trận động đất 9,1 độ Richter ngoài khơi đảo Sumatra, Indonesia ngày 26.12.2004, kéo theo những đợt sóng thần kinh hoàng tại nhiều nước quanh tâm chấn, làm thiệt mạng khoảng 220.000 người. Riêng tỉnh Aceh, phía bắc đảo Sumatra chịu thiệt hại nặng nề nhất với 168.000 người chết.

Trung Quốc là quốc gia từng chịu nhiều trận động đất gây thương vong khủng khiếp. Nặng nề nhất là đợt rung chuyển 8,2 độ Richter ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, lấy đi sinh mạng của 240.000 người năm 1976. Ngoài ra, trận động đất 8,6 độ Richter vào năm 1920 tại tỉnh Cam Túc và 8,3 độ Richter năm 1927 tại thủ phủ Tây Ninh của tỉnh Thanh Hải cũng đều gây thiệt mạng 200.000 người.
Nguyễn Ngọc Lan Chi

Nhận xét

Bài đăng phổ biến