Bằng chứng thứ hai của sự đảo cực địa từ nhanh kỉ lục

Cách đây chừng 16 triệu năm trước, hướng bắc trở thành hướng nam chỉ trong vòng vài năm. Theo các mô hình nhân trái đất thì những sự đảo cực từ nhanh như vậy là không thể, nhưng đây là lần thứ hai người ta tìm thấy bằng chứng cho điều đó.

Các cực từ hoán đổi mỗi 300.000 năm một lần, một quá trình thường mất đến 5000 năm. Năm 1995, một dòng dung nham cổ với từ phổ khác thường đã được phát hiện ra ở Oregon. Nó cho biết từ trường khi ấy đang dịch chuyển 6 độ một ngày – nhanh hơn thông thường ít nhất là 10.000 lần. “Chẳng có mấy ai tin vào điều đó”, phát biểu của Scott Bogue, thuộc trường Occidental College ở Los Angeles.

Sự đảo cực từ nhanh kỉ lục (Ảnh: G.Glatzmaier/Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos/P.Roberts/UCLA/SPL)

Nay Bogue cùng người đồng nghiệp của ông, Jonathan Glen tại Cục Địa chất Hoa Kì ở Menlo Park, California, cho biết họ đã tìm thấy một mẫu thứ hai ở Nevada. Đá dung nham cho biết trong một năm, từ trường của trái đất đã xê dịch đi 53 độ. Ở tốc độ đó, sự đảo cực hoàn toàn diễn ra mất chưa tới bốn năm, nhưng có thể có một cách hiểu khác. “Nó có thể là một sự bùng phát gia tốc nhanh chóng làm ngắt quãng chuyển động đều đặn của từ trường”, Bogue nói.

Peter Olson thuộc trường Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, Maryland, thì vẫn giữ thái độ hoài nghi và cho rằng các hiệu ứng trên có thể mang tính cục bộ chứ không phải toàn cầu.

Nguồn: New Scientist

Nhận xét

Bài đăng phổ biến