Tên lửa tự chế đầu tiên sắp được phóng vào vũ trụ

Hai nhà phát minh người Đan Mạch dự định sẽ phóng tên lửa do chính họ chế tạo ra vào cuối tháng 8 tới đây. Nếu được phóng thành công, tên lửa này sẽ là thiết bị biến mơ ước du lịch không gian của con người thành hiện thực.

Peter Madsen đang thử nằm trong module chở hành khách sẽ được đặt trên tên lửa HEAT. Ảnh: Daily Mail

Tên lửa tự thiết kế đầu tiên trên thế giới này là thành quả sáng tạo của hai nhà sáng chế Kristian von Bengtson và Peter Madsen, những người đứng đầu tổ chức Copenhagen Suborbitals, một tổ chức phi lợi nhuận ở Đan Mạch.

Theo kế hoạch của Madsen và Bengtson, tên lửa này sẽ chính thức được phóng vào vũ trụ vào ngày 30/8 tới đây từ một tàu ngầm trên biển Baltic. Và nếu như thành công, họ sẽ tiếp tục phóng một lần nữa trong thời gian gần nhất với một hành khách ở trên tàu.

Madsen và Bengtson cho biết, trước khi quyết định phóng chính thức, từ tháng 2 đến tháng 5, trong vòng hơn ba tháng, họ đã liên tục phóng thử tên lửa HEAT và cuối cùng họ đã thành công.

Hai nhà sáng chế người Đan Mạch đã bắt đầu chế tạo sản phẩm của họ từ năm 2004 và họ đã thực hiện toàn bộ quá trình sản xuất tên lửa của mình mà không có bất kỳ khoản tài trợ nào từ phía chính phủ.

Trên trang web của họ, Madsen và Bengtson nói: "Chúng tôi đang làm việc một cách tích cực nhất để phát triển các phương tiện giao thông vũ trụ. Chúng được thiết kế để mở đường cho các chuyến bay có người lái tàu trên những tàu vũ trụ có kích thước siêu nhỏ”.

Nếu tên lửa HEAT được phóng thành công, Đan Mạch sẽ trở thành quốc gia thứ 4
đưa người vào vũ trụ. Ảnh: Daily Mail

HEAT, tên gọi mà Madsen và Bengtson đặt cho loại tên lửa của mình có chiều cao khoảng 9 mét và sử dụng nhiên liệu là khí oxy ở dạng lỏng.

Tên lửa đẩy HEAT sẽ được đốt khoảng 60 giây. Và trong khoảng thời gian này nó sẽ sản sinh một lực đủ để đưa tên lửa vào trong vũ trụ cùng với một khách du lịch ở vị trí thẳng đứng trong một module đặt ở đầu tên lửa.

Trước khi tên lửa bước vào trạng thái không trọng lực, hệ thống đẩy sẽ tự động mất tác dụng. Lúc này, tốc độ của tên lửa cũng sẽ được làm chậm lại bằng cách sử dụng các dù gắn ở phía sau.

Madsen và Bengtson khẳng định:"Loại phương tiện giao thông vũ trụ này được sản xuất với mục đích hòa bình 100% và không dính líu gì tới việc mang theo cách chất nổ, hạt nhân hay các loại vũ khí sinh hóa học”.

Hai nhà phát minh người Đan Mạch cũng bày tỏ thiện chí chia sẻ thành quả nghiên cứu của mình với tất cả mọi người. "Chúng tôi dự định sẽ chia sẻ tất cả thông tin kỹ thuật của chúng tôi cho tất cả mọi người trong khuôn khổ luật pháp xuất khẩu của EU”, Madsen và Bengtson khẳng định.

Theo Vietnamnet

Nhận xét

Bài đăng phổ biến