Phát hiện mới về hệ hành tinh giống hệ Mặt Trời

Ngày 24/8, các nhà thiên văn châu Âu đã công bố phát hiện mới nhất về một hệ hành tinh giống hệ Mặt Trời ở cách xa Trái Đất 127 năm ánh sáng.

Hệ hành tinh quanh ngôi sao giống mặt trời HD 10180. Ảnh: computerra.ru

Phát hiện trên được coi là phát hiện lớn nhất về các hành tinh ngoài Trái Đất kể từ khi một hệ hành tinh ngoài Trái Đất được phát hiện 15 năm trước đây.

Hệ hành tinh mới này gồm ngôi sao được các nhà thiên văn châu Âu đặt tên là HD 10180 và có ít nhất năm hành tinh lớn cỡ Sao Hải vương quay quanh.

Ngôi sao HD 10180 cũng giống như Mặt Trời và cách sắp xếp các hành tinh quay quanh ngôi sao này cũng giống cách sắp xếp hành tinh của hệ Mặt Trời, mặc dù cho đến nay chưa phát hiện được bằng chứng nào cho thấy các điều kiện môi trường trên hệ hành tinh này cũng giống như trên hệ Mặt Trời.

Các nhà thiên văn châu Âu đã theo dõi và ghi nhận hệ hành tinh này trong vòng sáu năm qua bằng máy quang phổ mạnh nhất để thu và phân tích các tín hiệu ánh sáng.

Năm hành tinh được phát hiện có quỹ đạo quay quanh ngôi sao gần hơn rất nhiều so với sao Hải vương quay quanh Mặt Trời.

Các nhà thiên văn châu Âu cũng phát hiện dấu hiệu cho thấy còn hai hành tinh khổng lồ nữa quay quanh ngôi sao HD 10180. Một hành tinh có độ lớn bằng Sao Thổ quay quanh HD 10180 mất 2.200 ngày. Hành tinh thứ 2 có độ lớn gấp 1,4 lần Trái Đất và là hành tinh ngoài Trái Đất nhỏ nhất được phát hiện cho đến nay, quay quanh HD 10180 chỉ mất 1,18 ngày Trái Đất. Nếu được xác nhận, hệ hành tinh mới này sẽ có 7 hành tinh.

Theo Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), cho đến nay, các nhà thiên văn thế giới đã phát hiện 402 ngôi sao kể từ lần phát hiện đầu tiên năm 1995. Số hành tinh quay quanh những ngôi sao này là 472.

Mặc dù có hành tinh rất giống Trái Đất nhưng không hành tinh nào có nhiệt độ có thể tạo ra nước hoặc vật liệu sống dưới dạng lỏng.

Theo VietnamPlus

Nhận xét

Bài đăng phổ biến