Bikini cũng trở thành Di sản Thế giới UNESCO

Đảo Bikini, nơi Mỹ thử bom nguyên tử và khinh khí trong thời gian chiến tranh lạnh cũng được đưa vào Danh sách Di sản Thế giới của UNESCO. Nghị quyết này đã được thông qua tại Khoá họp thường niên năm nay, ngày 1/8/2010, của Uỷ ban Di sản tại Thủ đô Braxin. Ở đây, Hoàng thành Thăng long của Việt Nam cũng được tôn vinh.
Mô tả ảnh.
Nơi đây từng là một hòn đảo xinh đẹp. Ảnh: Internet.

Khi nghe tin quần đảo Bikini giữa Thái Bình dương lộng gió được đưa vào Danh sách Di sản thế giới (cùng với Hoàng thành Thăng long của Việt Nam), nhiều người tưởng đâu là Bikini được tôn vinh vì vẻ đẹp tuyệt vời, thơ mộng, lãng mạn … của cảnh trời biển mênh mông (kiểu như vịnh Hạ Long của ta) với một cụm những hòn đảo thanh bình.

Nhưng không! Di sản Bikini mang ý nghĩa hoàn toàn khác.

Khi Bộ trưởng Bộ Văn hoá Braxin, Juca Ferreira, kiêm Chủ tịch Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO năm nay cho biết quần đảo san hô Bikini trên Thái Bình dương đã được đưa vào danh sách Di sản thế giới, ông nhấn mạnh: “Điều này có ý nghĩa biểu tượng quan trọng. Nó nhắc nhở mọi người phải luôn luôn nhớ rằng sự tàn phá thiên nhiên không thể phục hồi lại được là một tội ác, không bao giờ được tái diễn”.

Quần đảo Bikini, thuộc quần đảo Marshal, gồm 36 hòn đảo lớn nhỏ, vốn có phong cảnh tuyệt đẹp, có tổng diện tích trên 600 kilomet vuông. Trước chiến tranh Thế giới lần thứ hai, đây là một hòn đảo rất thanh bình có dân sinh sống.

Trong thời gian từ 1946 đến 1958, sau khi di dời dân, Mỹ đã dùng quần đảo này làm nơi thử 67 vụ nổ bom nguyên tử và quả bom khính khí đầu tiên vào năm 1952. Sức công phá của chúng rất cao (gấp 7.000 lần sức công phá của quả bom ném xuống Hiroshima) đã phá vỡ quang cảnh thiên nhiên, để lại một vết nứt khổng lồ (mang tên vết nứt Bravo), gây những biến đổi sâu sắc về cấu tạo địa chất và môi trường và hiện vẫn còn để lại những dấu vết phóng xạ trên đất đá, khiến cả quần đảo không còn nguyên vẹn và cảnh quan không thể phục hồi ...

Mô tả ảnh.
Nhưng nó đã bị tàn phá nặng nề bởi những vụ thử nghiệm vũ khí giết người hàng loạt. Ảnh: Internet.

Vậy là việc công nhận quần đảo Bikini là Di sản thế giới không chỉ có ý nghĩa như gióng lên bản thông điệp lên án những hành động phá hoại môi trường khủng khiếp mà còn là khắc ghi một vật chứng sống khổng lồ nhắc nhở nhân loại không bao giờ để cho tái diễn một lần nữa hành động phá hoại môi trường gắn liền với một mục đích ghê tởm - thử nghiệm vũ khí giết người hàng loạt.

Bảo Châu - VietNamNet

Nhận xét

Bài đăng phổ biến